I. Hướng dẫn lựa chọn và lắp đặt van giảm áp
1. Cách chọn lựa van giảm áp
Hiện nay xu hướng sử dụng ống hàn nhiệt PPR cho hệ thống cấp nước đang trở nên phổ biến tại các công trình cao tầng ở nước ta. Để lắp đặt van giảm áp vào ống PPR, ta cần phải hàn ở 2 đầu ống 2 rắc co (nhông) ren ngoài như hình bên dưới.
Tuy nhiên, Quý khách hàng cần lưu ý đến quy cách phần hàn nối với ống PPR và phần ren của rắc co ren ngoài, cụ thể như sau:
.Rắc co RN PPR 20×1/2 = Đường kính ống 20 * Đường kính ren ngoài DN 15
.Rắc co RN PPR 25×3/4 = Đường kính ống 25 * Đường kính ren ngoài DN 20
.Rắc co RN PPR 32×1 = Đường kính ống 32 * Đường kính ren ngoài DN 25
.Rắc co RN PPR 40×1 1/4 = Đường kính ống 40 * Đường kính ren ngoài DN 32
.Rắc co RN PPR 50×1 1/2 = Đường kính ống 50 * Đường kính ren ngoài DN 40
.Rắc co RN PPR 63×2 = Đường kính ống 63 * Đường kính ren ngoài DN 50
.Rắc co RN PPR 75×2 1/2 = Đường kính ống 75 * Đường kính ren ngoài DN 65
.Rắc co RN PPR 90×3 = Đường kính ống 90 * Đường kính ren ngoài DN 80
.Rắc co RN PPR 110×4 = Đường kính ống 110 * Đường kính ren ngoài DN 100
Ví dụ: ống PPR đường kính 50 dùng với rắc co RN PPR 50×1 1/2 để lắp với van giảm áp DN 40 (1 1/2″). Do đó, để đảm bảo lưu lượng nước cấp đủ khi thiết kế cần lưu ý đến điều này để chọn lựa đường kính ống PPR phù hợp.
2. Cách lắp đặt van giảm áp
Đối với các tòa nhà cao tầng (từ 6 tầng trở lên) việc lắp đặt van giảm áp sẽ giúp bảo vệ các thiết bị sử dụng nước. Ở nước ta hiện nay, việc thiết kế các đường cấp nước trong các tòa nhà gồm hệ thống máy bơm đẩy nước từ tầng hầm lên trên bể nước tầng mái và dựa vào áp lực nước từ độ cao của bể nước trên đỉnh tòa nhà để cấp theo trục nước xuống các tầng phía dưới. Tuy nhiên trong thực tế hiện nay đặc biệt là đối với các tòa nhà chung cư hoặc cao ốc văn phòng vẫn có hiện tượng để tiết kiệm chi phí nên van giảm áp thường được lắp đặt trên trục đường ống cấp nước xuống chính và cứ khoảng cách 4 – 5 tầng lại lắp đặt một van giảm áp. Cách lắp đặt này đã làm cho áp lực nước giữa các tầng không ổn định.
Giả sử một tòa nhà cao 24 tầng, nếu lắp đặt ở tầng 20 một van giảm áp và cứ cách 4 tầng tức là tầng 16, 12, 8, 4 sẽ lắp một van giảm áp. Nếu ở ngay tầng 20 để đảm bảo áp lực sử dụng ta sẽ cài đặt van giảm áp có áp lực đầu ra là 2 bar. Độ cao của từng tầng giả sử là 3,5 mét. Theo lý thuyết cứ chênh lệch độ cao 10 mét sẽ tạo ra áp lực tương đương với 1 bar. Khi đó tầng 17 sẽ thấp hơn tầng 20 là 3,5 m x 3 = 11,5 m tương đương với chênh áp lực là 1,15 bar. Điều đó có nghĩa áp lực nước tại tầng 17 sẽ là 2 bar + 1,15 bar = 3,15 bar. Với mức áp lực nước của tầng 17 sẽ cao hơn nhiều so với tầng 20 và với tầng 16 áp lực đầu ra sẽ là 3,5 bar.
Do vậy, để đảm bảo áp lực nước đầu ra ở các tầng là như nhau chúng ta cần lắp các van giảm áp tại các đầu ống nhánh của từng tầng thay cho trường hợp lắp trên trục chính như trên. Khi đó chúng ta điều chỉnh đầu ra của van giảm áp đều là 2 bar thì áp lực toàn bộ các phòng ở các tầng đều giống nhau và đều bằng 2 bar.
3. Sơ đồ lắp đặt van giảm áp tại đầu các ống nhánh của từng tầng
II. Hướng dẫn cài đặt van giảm áp
1. Lưu ý chung
Van giảm áp dùng để giảm và ổn định áp lực đầu ra. Áp lực đầu ra luôn nhỏ hơn hoặc bằng áp lực đầu vào.
Van giảm áp cho phép điều chỉnh áp lực đầu ra gần đúng theo giá trị mong muốn, miễn là giá trị đó nằm trong giải điều chỉnh của van. Khi van đã chỉnh xong, áp lực đầu ra gần như không đổi mặc dù có sự thay đổi áp lực đầu vào, tất nhiên áp lực đầu vào phải cao hơn áp lực đã chọn ở đầu ra. Áp lực đầu ra khi đó cũng gần như không thay đổi theo lưu lượng dòng chảy cửa ra.
2. Hướng dẫn cài đặt van giảm áp
Van giảm áp phải được lắp đặt có chiều nước vào theo chiều mũi tên trên thân van (kí hiệu C ở hình bên dưới). Để có độ an toàn hơn và kéo dài tuổi thọ của van giảm áp, chúng tôi đề nghị nên lắp một bộ phận lọc trước van giảm áp nhằm loại bỏ các cặn có thể có trong nước. Nếu trong nước có lẫn cặn sẽ ảnh hưởng đến đĩa đệm của van và làm cho van hoạt động không chính xác.
3. Chỉ dẫn cài đặt van giảm áp
Van giảm áp có chế độ cài đặt trước áp lực đầu ra là 3 bar. Trong trường hợp cần thay đổi chế độ cài đặt đầu ra cần thực hiện theo chỉ dẫn sau:
– Trước khi tiến hành điều chỉnh áp lực đầu ra phải đóng tất cả các loại van, vòi lắp đặt sau van giảm áp.
– Để giảm áp lực đầu ra của van giảm áp, bạn tháo nắp (kí hiệu A ở hình bên trên) ra và nới lỏng đinh ốc (xoay theo chiều ngược chiều kim đồng hồ).
– Để tăng áp lực đầu ra của van giảm áp, bạn tháo nắp (kí hiệu A ở hình bên trên) ra và xiết đinh ốc vào (xoay theo chiều thuận chiều kim đồng hồ).
Lưu ý: Để giúp cho việc điều chỉnh áp lực đầu ra dễ dàng, bạn nên tháo ốc nhựa (kí hiệu F ở hình bên trên) trên thân van ra và lắp một đồng hồ đo áp lực vào đó. Khi nhìn trên đồng hồ áp lực bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc điều chỉnh áp lực đầu ra với mức mong muốn.
Nguồn: Internet (Phù Đổng hiệu chỉnh lại các quy cách để phù hợp với bảng giá trong thực tế)
Bạn phải đăng nhập để bình luận.